HỎI & ĐÁP

1. Vì sao đổi tên Cuộc bình chọn?

“Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên” (BCTN) đã đồng hành cùng với TTCK Việt Nam và cộng đồng các doanh nghiệp niêm yết trong suốt 10 năm (2008- 2017). Trong hành trình 10 năm qua, Cuộc bình chọn BCTN đã có những tác động tích cực đến sự thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch thông tin, giúp các nhà đầu tư tiếp cận thông tin tốt hơn đối với các DN niêm yết. Không chỉ đơn thuần là một sự kiện nhằm khuyến khích và tôn vinh các doanh nghiệp có BCTN tốt nhất, Cuộc bình chọn còn là khởi nguồn cho rất nhiều hoạt động tạo giá trị gia tăng cho DN, cho TTCK Việt Nam trong công tác quản trị rủi ro, quan hệ với nhà đầu tư, thiết lập báo cáo phát triển bền vững và quản trị doanh nghiệp theo các thông lệ tốt của quốc tế. Có thể nói, qua 10 năm, Cuộc bình chọn BCTN đã làm tốt vai trò lịch sử của mình trên hành trình minh bạch hóa thông tin, góp sức xây dựng TTCK Việt Nam lành mạnh và hiệu quả hơn.

Bước sang năm thứ 11, Ban Tổ chức quyết định đổi mới Cuộc bình chọn và đổi tên thành “Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết”. Tên gọi mới của Cuộc bình chọn vừa mang ý nghĩa kế thừa những thành quả đạt được 10 năm qua, đồng thời đáp ứng được yêu cầu mở rộng của Cuộc bình chọn trong tương lai nhằm mục đích:

  1. Tiếp tục thúc đẩy việc áp dụng các thông lệ tốt nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp thông qua BCTN và báo cáo phát triển bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư đối với các công ty niêm yết
  2. Đánh giá tình hình thực thi Quản trị công ty (QTCT) của công ty niêm yết dựa trên các nguồn thông tin tin cậy được công ty công bố rộng rãi ra bên ngoài cho cơ quan quản lý và các nhà đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết áp dụng các thông lệ quốc tế về quản trị công ty và quản trị rủi ro để hướng đến phát triển bền vững.
Danh sách câu hỏi

2. Cùng với việc đổi tên, Cuộc bình chọn có những thay đổi và điểm mới nào?

Cuộc bình chọn năm 2018 có một số điểm mới nổi bật sau đây:

Thứ nhất, bên cạnh nội dung đánh giá BCTN và Báo cáo Phát triển bền vững như mọi năm, Cuộc bình chọn năm nay sẽ thực hiện đánh giá chuyên sâu tình hình thực thi quản trị công ty (QTCT) của doanh nghiệp với một bộ tiêu chí riêng, qua đó khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về QTCT nhằm hướng đến phát triển bền vững. Bộ tiêu chí đánh giá QTCT năm nay được xây dựng dựa trên nguyên tắc QTCT của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), các câu hỏi có điều chỉnh cho phù hợp với các quy định hiện hành về QTCT và tình hình thực tế của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh thông tin từ BCTN, việc đánh giá các nội dung liên quan QTCT còn dựa trên các thông tin tin cậy mà công ty cung cấp rộng rãi ra thị trường trong khoảng thời gian từ 01/07/2017 đến 30/04/2018 qua các nguồn khác như website của doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Bên thứ ba độc lập sẽ được mời thực hiện đánh giá sơ khảo nội dung QTCT. Kết quả sơ khảo sẽ được soát xét bởi 04 công ty kiểm toán hàng đầu (Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PwC) trước khi vào vòng chung khảo.

Thứ hai, đối tượng bình chọn năm nay là các doanh nghiệp niêm yết trên hai Sở GDCK TP.HCM và Hà Nội thuộc rổ chỉ số VNX Allshare và được chia thành 03 nhóm theo quy mô vốn hóa thị trường (lớn, vừa và nhỏ), thay vì chấm toàn bộ tất cả các DN niêm yết đủ điều kiện xét chọn trên 02 sàn như mọi năm.

Thứ ba, về cơ cấu bình chọn, thay vì chọn Top 50 doanh nghiệp có BCTN tốt nhất để vinh danh, năm nay, Ban Tổ chức sẽ chọn các báo cáo tốt nhất của mỗi nhóm vốn hóa (Large Cap, Mid Cap, Small Cap) để trao giải nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có quy mô vốn vừa và nhỏ tham gia cạnh tranh giải và có cơ hội được tôn vinh. Tương tự, đối với Giải QTCT, Ban Tổ chức cũng sẽ lựa chọn 05 DN tốt nhất của mỗi nhóm vốn hóa để trao giải thay vì chỉ trao Giải Nhất, Nhì, Ba như năm ngoái.

Danh sách câu hỏi

3. Tại sao QTCT lại là nội dung được Ban Tổ chức chú trọng đổi mới nhất trong Cuộc bình chọn năm thứ 11?

Quản trị công ty và thực hiện các cam kết phát triển bền vững trở thành tâm điểm nổi bật, nhận được rất nhiều sự quan tâm và kỳ vọng từ các nhà đầu tư và các đối tác hữu quan. Trong xu thế hội nhập của nền kinh tế, QTCT và quản trị rủi ro tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức bởi phần lớn các DN vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức, còn nhiều thiếu sót trong tuân thủ lẫn năng lực. Vì vậy, trong định hướng tương lai, Ban Tổ chức thấy rằng Cuộc bình chọn cần phải tập trung và tăng cường hơn nữa việc khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về quản trị công ty, quản trị rủi ro để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh và có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường vốn khu vực và quốc tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng mạnh mẽ.

Danh sách câu hỏi

4. Tiêu chí chấm QTCT không chỉ là thông tin trong BCTN mà còn mở rộng sang những nguồn khác. Liệu việc chấm có bao quát hết các thông tin công bố của doanh nghiệp? Có công bằng khi soát thông tin của doanh nghiệp này mà không soát thông tin của doanh nghiệp kia?

Bên cạnh BCTN, việc đánh giá các nội dung liên quan QTCT còn dựa trên các thông tin tin cậy mà công ty cung cấp rộng rãi ra thị trường trong khoảng thời gian từ 01/07/2017 đến 30/04/2018 của năm tài chính qua các kênh công bố thông tin chính sau đây: website của doanh nghiệp niêm yết thuộc đối tượng được bình chọn và website của các cơ quan quản lý (hai Sở GDCK, UBCKNN, Trung tâm Lưu ký chứng khoán). Việc giới hạn nguồn thông tin này nhằm đảm bảo việc có thể kiểm chứng được nguồn thông tin cũng như độ tin cậy của các thông tin rộng rãi đó.

Danh sách câu hỏi