Thông Cáo Báo Chí: KỶ NIỆM 10 NĂM CUỘC BÌNH CHỌN BCTN VÀ TRAO GIẢI CUỘC BÌNH CHỌN NĂM 2017

Đăng ngày 24/10/2018 bởi ARAVN

(TP.HCM – ngày 25 tháng 07 năm 2017) Hôm nay, Lễ kỷ niệm 10 năm Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (BCTN) và Trao giải Cuộc bình chọn năm 2017 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM với sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo các Sở Giao dịch Chứng khoán và đại diện gần 300 công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các định chế tài chính khác trên thị trường.

Năm 2017 – năm thứ 10 đồng hành và phát triển cùng thị trường chứng khoán Việt Nam – Cuộc bình chọn BCTN có thêm nhiều điểm mới so với các năm trước:

Thứ nhất, các tiêu chí chấm giải được điều chỉnh lại cho phù hợp với quy định mới tại Thông tư 155/2015/TT-BTC về công bố thông tin trên TTCK, trong đó bắt buộc các doanh nghiệp phải công bố các nội dung về môi trường và xã hội tại Báo cáo thường niên.

Thứ hai, quy trình tuyển chọn chặt chẽ hơn với sự tham gia của 4 công ty kiểm toán quốc tế hàng đầu (Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PwC) trong vai trò thực hiện soát xét kết quả chấm sơ khảo để chọn danh sách báo cáo vào chung khảo. Đây là một bước cải thiện mang tính đột phá trong quy trình chấm giải nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng của các báo cáo được xem xét chấm chung khảo.

Thứ ba, Cuộc Bình chọn xét cộng điểm thưởng cho các BCTN có báo cáo tài chính được lập theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và cho BCTN có bản tiếng Anh, khi xét điểm vào vòng chung khảo (tối đa 05 điểm cho mỗi nội dung). Việc xét cho điểm thưởng ở những nội dung này nhằm khuyến khích các DN lập báo cáo theo chuẩn mực quốc tế, đáp ứng nhu cầu thông tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, lần đầu tiên, các DN không bắt buộc phải nộp BCTN bằng bản cứng (bản in). Thay vào đó, Hội đồng bình chọn thực hiện chấm BCTN trên bản điện tử. Sự thay đổi này nhằm phù hợp với xu thế số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động doanh nghiệp, bao gồm cả công bố thông tin. Bước cải cách này cũng nhằm giảm thiểu chi phí in ấn của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp hướng đến các chuẩn mực phát triển bền vững.

Thứ tư, lần đầu tiên, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức tham gia vào Ban tổ chức (ngoài Sở GDCK TP.HCM và Báo Đầu tư – hai đơn vị đồng tổ chức trong 9 năm vừa qua) nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp niêm yết tại sàn Hà Nội hưởng ứng cuộc bình chọn này.

Thứ năm, để đảm bảo chất lượng chấm Báo cáo thường niên được chuyên sâu, công minh hơn nữa, Hội đồng bình chọn năm nay được mở rộng, tăng lên 9 thành viên, với sự tham gia của 02 thành viên mới là đại diện của Vụ Giám sát đại chúng -UBCKNN và Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bên cạnh các thành viên thường niên.

Tại vòng sơ khảo, đã có 638 DN được chấm điểm và với sự soát xét của 4 công ty kiểm toán lớn, Hội đồng bình chọn đã chọn ra 125 DN vào vòng chung khảo. Việc chấm sơ khảo được thực hiện trên gần 100 tiêu chí định lượng, được chọn lọc và xây dựng từ các quy định pháp lý hiện hành, đặc biệt là Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, hướng dẫn việc công bố thông tin của DN, cùng với việc bổ sung các tiêu chí quản trị công ty theo các nguyên tắc của OECD và một số chỉ tiêu đánh giá các đề mục thông tin DN thực thi trong báo cáo phát triển bền vững.

Thực tế kết quả điểm tại vòng sơ khảo cho thấy, số công ty đạt từ 50 điểm (trên thang điểm 100) trở lên chiếm 75,4%, điểm trung bình vòng sơ khảo của các Báo cáo thường niên năm 2017 cũng cao hơn gần 4% so với năm trước. Bên cạnh đó, với tác động bởi Thông tư 155/2015/TT-BTC yêu cầu bắt buộc báo cáo về nội dung môi trường, xã hội đã khiến số lượng báo cáo thường niên có nội dung phát triển bền vững đã tăng lên đáng kể (tăng 45% so với năm trước). Số lượng Báo cáo thường niên được lập bằng tiếng Anh là 64 báo cáo và số lượng Báo cáo tài chính lập theo chuẩn IFRS là 6 báo cáo. Đây là những nét cải tiến về nội dung của các báo cáo thường niên năm nay.

Tại vòng chung khảo, đánh giá chung của Hội đồng bình chọn cho thấy, hình thức và chất lượng Báo cáo thường niên năm 2017 có sự tiến bộ hơn năm 2016.

Về hình thức: nhiều báo cáo trình bày đẹp, slogan ấn tượng, logic về mặt ý tưởng. Số lượng báo cáo mang tính hình thức, quảng cáo về sản phẩm đã giảm rất nhiều. Đặc biệt đã có doanh nghiệp thực hiện báo cáo thường niên theo hình thức hoàn toàn mới là video clip và ứng dụng trên điện thoại di động.

Về nội dung: các báo cáo ngoài việc thể hiện đầy đủ nội dung theo quy định còn chú trọng đi sâu vào chất lượng thông tin, cụ thể:

+ Đối với thông tin tài chính, đa số các công ty đều trình bày đầy đủ, rõ ràng các khoản mục tài chính trọng yếu. Đặc biệt, có một số báo cáo rất ấn tượng trong phân tích sâu và có so sánh với các đối thủ cạnh tranh, có nêu những sự kiện trọng yếu của các công ty con, đưa ra giải trình chi tiết các vấn đề, cũng như đề ra kế hoạch thực hiện trong tương lai rất cụ thể.

+ Đối với nội dung quản trị công ty – đây vấn đề đang được các nhà đầu tư quan tâm và đã được các công ty trình bày đầy đủ công khai hơn đặc biệt là các thông tin về lương – thưởng của các lãnh đạo chủ chốt và các giao dịch của người nội bộ và người có liên quan.

Về báo cáo phát triển bền vững: số lượng công ty tham khảo các hướng dẫn của IFC và GRI nhiều hơn. Nhận thức của doanh nghiệp về khái niệm phát triển bền vững cũng đã thay đổi không chỉ gói gọn trong các hoạt động từ thiện, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo hoặc xây dựng trường học, cầu đường cho những vùng xa xôi, thì nay, câu chuyện về phát triển bền vững đã được mở rộng thành một hệ thống các tiêu chí được xây dựng xuyên suốt từ mục tiêu, chiến lược đến kết quả đạt được nhằm hướng đến sự phát triển ổn định, lâu bền.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm cộng, vẫn còn những điểm cần khắc phục như chưa đánh giá thấu đáo các rủi ro, đặc biệt là rủi ro đặc thù trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Một số báo cáo vẫn sa đà vào việc quảng cáo sản phẩm hoặc sử dụng các hình ảnh tối nghĩa, gây hiểu nhầm cho người đọc. Sự cách biệt trong báo cáo phát triển bền vững của các doanh nghiệp có thứ hạng cao và các doanh nghiệp còn lại cho thấy có sự hiểu biết không đồng đều giữa các doanh nghiệp về hướng dẫn G4 của GRI và nhiều báo cáo còn thiếu các phần cơ bản của một báo cáo theo GRI. Đây là điểm mà Ban Tổ chức sẽ thực thi những nỗ lực mới, giúp các DN trên toàn thị trường hiểu đúng, làm đúng và làm có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Kết quả bình chọn chi tiết của các hạng mục xem trong Danh sách đính kèm.

Lễ kỷ niệm 10 năm Cuộc bình chọn BCTN đã diễn ra trước phần Trao giải cuộc bình chọn năm nay.

Đánh giá về chặng đường 10 năm Cuộc bình chọn, ông Lê Hải Trà, Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng bình chọn, cho rằng công khai minh bạch, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư “không chỉ là mục tiêu của hệ thống pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, mà còn là một nỗ lực thực tiễn mang tên “Cuộc Bình chọn Báo cáo Thường niên” suốt 10 năm qua. Quãng đường 10 năm đó đánh dấu một hiệu ứng lan toả trong nhận thức về ý nghĩa của tính minh bạch đối với cộng đồng các doanh niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Đồng Trưởng Ban Tổ chức, nhấn mạnh: “Cuộc bình chọn BCTN hàng năm đã có tác dụng lớn trong việc khuyến khích, thúc đẩy và định hướng các doanh nghiệp niêm yết, thực hiện công bố thông tin minh bạch, nâng cao chất lượng quản trị và định hướng phát triển bền vững theo các chuẩn mực. Đây là điều kiện quan trọng để tạo dựng và gia tăng giá trị cốt lõi của thị trường chứng khoán, cũng như nền kinh tế nói chung. Ban tổ chức sẽ tiếp tục đổi mới để cuộc bình chọn có tác dụng lan tỏa lớn hơn.”

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản ký quỹ Dragon Capital, đơn vị tài trợ duy nhất cho Cuộc bình chọn trong 10 năm qua, chia sẻ: “Tác động lan tỏa của cuộc bình chọn sau 10 năm giúp chúng ta hiểu rằng, Cuộc bình chọn sẽ không chỉ dừng lại ở BCTN. Dragon Capital sẵn sàng đồng hành cùng Ban Tổ chức trên hành trình thực hiện những mục tiêu nhiệm vụ sâu rộng hơn”.

Kết thúc chặng đường 10 năm đầu tiên, Ban Tổ chức đã đặt ra 03 mục tiêu phát triển của Cuộc bình chọn trong các năm tới như sau:

  • Thứ nhất, thúc đẩy việc áp dụng các thông lệ tốt nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công bố thông tin, hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
  • Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết áp dụng các thông lệ quốc tế về quản trị công ty và quản trị rủi ro để hướng đến phát triển bền vững.
  • Thứ ba, mở rộng và kêu gọi các tổ chức chuyên nghiệp, hội nghề nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào Hội đồng bình chọn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của giải cũng như nâng tầm Cuộc bình chọn thành giải thưởng có uy tín được công nhận trong cộng đồng nhà đầu tư quốc tế.

———————

Để biết thêm thông tin chi tiết về Cuộc Bình chọn, có thể xem trên website của Giải (www.aravietnam.vn), website của HOSE (www.hsx.vn), HNX (www.hnx.vn) hoặc Báo Đầu tư Chứng khoán (www.dtck.vn), hoặc liên hệ:

Ông Nguyễn Hồng

Phó Tổng Biên tập – Trưởng VPĐD tại TP.HCM

Báo Đầu tư

Điện thoại: 0903 68 45 58

Email: nguyenhong@virhcm.com.vn